Xuất khẩu Sâm ra thị trường quốc tế
Thủ tướng: Đưa ‘quốc bảo’ sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh
Tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra ngày 06/9/2018, tại Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng cho một quốc gia có 3/4 diện tích rừng núi, nơi đã sinh ra những bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. Cho nên, việc phát triển ấy vừa là lịch sử, đồng thời cũng chính là sự khẳng định bản sắc và tinh thần dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập.
Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị dược liệu toàn quốc vào năm ngoái, Thủ tướng khẳng định, 63 tỉnh, thành phố đều có thể phát triển dược liệu với 5.000 loại cây, con, sinh vật biển, khoáng vật làm thuốc, không chỉ để chữa bệnh mà còn làm giàu.
Tự tin tham gia sân chơi toàn cầu
Theo Thủ tướng, để đạt được tầm nhìn và mục tiêu này, còn rất nhiều công việc đòi hỏi chúng ta cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Kon Tum, Quảng Nam hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược. “Cần nhớ rằng, nhân sâm Hàn Quốc, Triều Tiên có lịch sử nhiều năm, được xuất khẩu cách đây 1.500 năm và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc”.
Thủ tướng lưu ý một số hướng đi và cách làm để phát triển ngành công nghiệp sâm Việt Nam nhanh và bền vững, trước hết, tập trung vào sâm Ngọc Linh.
Đầu tiên, cách tiếp cận trong phát triển phải đúng. Yêu cầu đối với cây sâm Ngọc Linh là phải vừa bảo tồn, vừa phát triển, bảo tồn để phát triển có chiều sâu, đạt giá trị cao hơn. Ở giai đoạn đầu cần định dạng chiến lược sản phẩm theo hướng phát huy các giá trị vượt trội và tính chất khác biệt của sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự. Ví dụ chống ung thư, cải thiện chức năng gan, tim mạch, giảm bớt stress, các rối loạn tâm lý, trầm cảm, những chức năng độc đáo mà các loại sâm khác không sánh bằng hoặc không có.
Không để vàng thau lẫn lộn
Chúng ta cần phải bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường quốc tế cũng như ở các nước. Đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp. Tận dụng các điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nuôi trồng, chế biến, phát triển sản phẩm. Đồng thời, truyền thông mạnh mẽ các giá trị độc đáo của sâm Ngọc Linh, coi đây là bước đột phá cho sự phát triển của ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, đem lại cho Việt Nam khả năng đối trọng với các cường quốc tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Mong muốn trở thành cường quốc nhân sâm
“Vốn và công nghệ là quan trọng, nhưng đối với sâm Ngọc Linh thì đất và rừng là hai yếu tố không thể thay thế. Người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần hiệp đồng chặt chẽ để giữ rừng, bởi nếu mất rừng thì không còn sâm Ngọc Linh”, Thủ tướng bày tỏ.
Đức Tuân (theo chinhphu.vn) (https://www.kontum.gov.vn/dac-san/tin-tuc/detail/87/Thu-tuong-Dua-quoc-bao-sam-Ngoc-Linh-thanh-quoc-ke-dan-sinh.html)
Để “quốc bảo” sâm Ngọc Linh định vị thị trường thế giới: Kỳ 1: Đừng để “quốc bảo” sâm Ngọc Linh ngủ đông
Sâm Ngọc Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Chỉ dẫn địa lý và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.
Để nâng tầm giá trị, đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu toàn cầu đã được hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vạch ra đường hướng phát triển, có những quyết sách mạnh mẽ nhưng thực tế “quốc bảo” sâm Ngọc Linh mới chỉ được đánh thức sau một thời gian dài ngủ đông.
Sâm Ngọc Linh là một là một loài sâm đặc hữu của Việt Nam được phát hiện và định danh lần đầu vào năm 1973. Cây dược liệu quý này không chỉ có giá trị về mặt y học mà còn có giá trị kinh tế rất cao, vì vậy Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh” đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, kèm theo những cơ chế chính sách đặc thù. Đây có thể như một động thái nhằm thúc đẩy cho cây sâm Ngọc Linh phát triển, sớm trở thành thương hiệu quốc gia.
Tại tỉnh Kon Tum Kon Tum xác định sâm Ngọc Linh là ngành kinh tế mũi nhọn, là sản phẩm chủ lực, tạo đột phá mạnh mẽ về kinh tế – xã hội cho tỉnh. Cùng với cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, nhân rộng diện tích sâm. Đã có hai doanh nghiệp là Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tham gia trồng sâm với diện tích khoảng 500 ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích này sẽ tăng lên 10.000 ha cùng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha.
Tỉnh Kon Tum cũng đã trao quyết định đầu tư, chủ trương khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều dự án với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng. Hiện Kon Tum đã trồng được trên 500 ha sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp (DN) đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến để cho ra đời những mẻ sản phẩm sâm thương mại đầu tiên. Đã có 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800 ha. Kỳ vọng rằng, sẽ tung ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Và với tiềm năng thị trường của sâm Ngọc Linh như hiện nay, tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có cơ sở để phát triển một nền công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thu của Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗ lực đó mới chỉ là bước đầu và thực thi cam kết trên giấy, thực tế sâm Ngọc Linh Kon Tum đang đối mặt rất nhiều khó khăn, nan giải với việc tinh chế, chiết xuất từ dược liệu sâm Ngọc Linh. Tìm nhà đầu tư chiến lược, áp dụng ra thị trường, làm thế nào để đại trà nhân dân được sử dụng, trở thành quốc kế cho người dân…
Hay nói đúng nghĩa, tiềm năng lợi thế ấy mới chỉ được đánh thức sau một quá trình “ngủ đông”, khi mà những giá trị từ sâm Ngọc Linh Việt Nam đã được các nhà khoa học khẳng định là có hàm lượng saponin cao hơn hẳn sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ nhưng lại thất thế ngay sân chơi thị trường trong nước. Để sâm của xứ Hàn, của Mỹ chiếm lĩnh thị trường, nổi tiếng khắp toàn cầu.
Nhìn nhận thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét rằng: “Tôi đi thăm các cơ sở trong cả nước, phát triển dược liệu nói chung, sâm Ngọc Linh nói riêng thì quy mô trồng trọt, sản xuất, chế biến phân phối còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước chứ đừng nói xuất khẩu”.
Bộ trưởng Tiến cho biết, trong nước đã biết về sâm Ngọc Linh, nhưng liệu quốc tế đã biết (?!), như lâu nay họ vẫn nghĩ đến danh tiếng Nhân sâm của Hàn Quốc. Thứ nữa, sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa đa dạng hóa. “Sâm lâu nay chúng ta dùng làm thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm và các sản phẩm tăng cường sức khỏe…, thủ tục hành chính hiện nay đã đơn giản hóa, đối với dược phẩm, Kon Tum, Quảng Nam phải đăng ký lưu hành sản phẩm thì Bộ Y tế thì mới khuyến khích các bệnh viện Y học cổ truyền lấy làm sử dụng”, Bộ trưởng Tiến gợi mở.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói thêm, hiện nay 1kg sâm thường có giá từ 150 – 200 triệu đồng, thì chỉ có người giàu mới mua được, trong khi sức khỏe thì 95 triệu dân, chưa kể xuất khẩu thì Kon Tum nên đa dạng có thể 20 triệu đồng/ kg, thậm chí 1 triệu đồng/kg nhưng vẫn có tác dụng dược lý, nơi sản xuất cần lưu ý.
Ông Trần Hoàn – Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (Kon Tum) thừa nhận: Chiến lược phát triển cây sâm Ngọc Linh của Kon Tum nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, rào cản lớn, trước hết vẫn là nguồn sâm giống đạt chuẩn. “Cái khó lớn nhất chính là nguồn sâm giống, hiện vô cùng khan hiếm. Việc nhân giống sâm lâu nay vẫn theo phương thức truyền thống, tức là gieo bằng hạt; đi cùng với đó là nạn chuột, trộm cắp, dịch bệnh, rất khó đủ giống để trồng; chưa kể cây sâm là cây trồng lâu năm rất tốn kém về kinh phí.
Và với những khó khăn, thách thức như hiện nay, mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là biến mục tiêu cây sâm Ngọc Linh từ một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ tới mục tiêu tỷ đô la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới rõ ràng là rất khó. Nếu không có sự “bắt tay” giữa hại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, sự vào cuộc quyết liệt giữa các bộ, ngành liên quan.